PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NINH GIANG
TRƯỜNG TIỂU HỌC ỨNG HOÈ
Video hướng dẫn Đăng nhập

Công lao to lớn của Mẹ Âu Cơ đã được truyền tụng hàng ngàn đời ở vùng đất Tổ, mẹ không chỉ là người sinh ra dòng giống, mà còn là người khai sáng văn hóa dân tộc. Bước vào thời kỳ dựng nước và giữ nước, những dấu ấn của người phụ nữ Việt Nam ngày càng quan trọng: “Nếu ở hầu hết thời đại nguyên thuỷ, phụ nữ là người lãnh đạo và tham gia vào tất cả các hoạt động xã hội, thì đến thời đại xã hội có giai cấp, trong khi ở nơi này nơi khác, phụ nữ mất hẳn chức năng ấy, thì ở Việt Nam đông đảo phụ nữ vẫn là những “công dân chính trị” rất độc đáo. Đây chính là tiền đề để người Phụ nữ Việt Nam vẫn tiếp tục có những cống hiến lớn lao vào lịch sử dân tộc:
“Phụ nữ ta chẳng tầm thường
Đánh Đông, dẹp Bắc, làm gương để đời”
                                                         (Chủ tịch Hồ Chí Minh)
        Mở đầu thời kỳ đấu tranh anh dũng chống ngoại xâm của dân tộc ta là cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng vào mùa xuân năm 40 sau Công nguyên, đã thu hút đông đảo quần chúng tham gia, đánh đuổi quân Đông Hán, giành quyền tự chủ cho đất nước. Mặc dù, triều đại của Hai Bà Trưng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng như Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viết: “...Hai Bà Trưng đã đứng lên khởi nghĩa chống ngoại xâm, thức tỉnh tinh thần độc lập. Đó là lần đầu tiên trong lịch sử mà người dân Việt Nam đứng lên vì nền độc lập cũng như niềm tự hào của mình”. Trong lịch sử thế giới, cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, chống lại quân Đông Hán phương Bắc xâm lược được xem là cuộc khởi nghĩa của những bậc nữ anh hùng đầu tiên trong lịch sử đứng lên tranh đấu giành độc lập cho đất nước, trước cả nữ anh hùng Jeanne d'Arc (1412 – 1413) của Pháp gần 14 thế kỷ. Tiếp nối truyền thống chiến công hiển hách của Hai Bà Trưng “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”, khi quân Ngô xâm lược và giày xéo đau thương lên nước ta, mới 19 tuổi Triệu Thị Trinh đã bỏ nhà vào núi xây dựng cǎn cứ, chiêu mộ nghĩa quân đánh giặc. Với câu nói nổi tiếng tỏ rõ khí phách: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá Kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ tôi không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta”. Quân Bà đi đến đâu dân chúng hưởng ứng, quân thù khiếp sợ. Phụ nữ quanh vùng thúc giục chồng con ra quân theo Bà đánh giặc.  Trong từng giai đoạn lịch sử, đặc biệt vào những giai đoạn cam go của cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc, người phụ nữ Việt Nam còn đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích gia đình, nếu không có hành động chuyển giao quyền lực từ nhà Đinh sang nhà Tiền Lê của Thái hậu Dương Vân Nga thì liệu có chiến thắng được quân Tống xâm lược năm 981. Nguyên phi Ỷ Lan đã 2 lần thay vua điều hành triều đình, giữ hậu phương vững chắc để chồng yên tâm đánh giặc và giúp con sử dụng người tài, quản lý đất nước, giữ vững nền độc lập dân tộc. Hình ảnh kiên cường, bất khuất của Nữ tướng Bùi Thị Xuân trong phong trào nông dân Tây Sơn thế kỷ XVII, những người phụ nữ trong  phong trào yêu nước chống Pháp cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX tiếp tục khẳng định truyền thống yêu nước, sẵn sàng hy sinh tất cả vì độc lập dân tộc của phụ nữ Việt Nam. Truyền thống ấy tiếp tục được hội tụ và tỏa sáng ở biểu tượng cao đẹp chân dung người phụ nữ Việt Nam – Hoàng Thị Loan, người mẹ sinh thành vĩ nhân Hồ Chí Minh.
        Quê hương Nam Đàn, với núi Hồng, sông Lam hùng vĩ, thơ mộng, có những con người “biết làm thơ và đánh giặc”, biết cày cấy, gieo những làn điệu ví dặm da diết vào không gian năm tháng. Thiên nhiên phong phú nhưng cũng hết sức khắc nghiệt, người dân nơi đây phải cật lực vật lộn, giành giật với thiên nhiên miếng cơm manh áo. Hoàn cảnh đó đã tạo cho họ đức tính kiên cường, tháo vát, nhanh nhạy và cần kiệm. Cũng như bao miền quê khác, thường xuyên phải đương đầu với giặc ngoại xâm, họ được rèn đúc ý chí kiên gan, lòng dũng cảm. Sống trong điều kiện đó, người dân gắn bó, thương yêu thủy chung, trọn vẹn với nhau hơn. Trong môi trường ấy, cộng với truyền thống gia đình sống nhân ái, hòa thuận nghĩa tình, siêng năng chăm chỉ đèn sách, không ngại khó khăn đã hình thành nên một người con gái đức tính mẫu mực của người phụ nữ công, dung, ngôn, hạnh, biết khéo tay hay làm, đoan trang thùy mỵ và hơn tất cả là sự thủy chung, đức hy sinh vì chồng, vì con. Người con gái ấy chính là Hoàng Thị Loan, thân mẫu của chủ tịch Hồ Chí Minh. Hình ảnh bà Loan – người vợ, người mẹ chân đi đôi dép mo cau, vai nặng trĩu đôi gánh, một bên là con nhỏ, một bên là tài sản gia đình, vượt núi, trèo đèo lội suối giữa mưa rừng gió núi trên đường “thiên lý” từ Nam Đàn vào Huế, đã khắc sâu sự hi sinh vô bờ bến của người phụ nữ Việt Nam. Nhân cách, đức độ và ý chí kiên cường của Bác Hồ được bắt nguồn từ dòng suối trong suốt mát lành người cha, người mẹ tạo nên. Nếu ông Sắc truyền cho con nền văn hóa trí tuệ và ý chí mãnh liệt, dám đương đầu và vượt qua mọi gian nan để vươn tới sự nghiệp lớn, thì người mẹ - bà Hoàng Thị Loan, với tấm lòng nhân hậu, bà đã dạy dỗ các con những bài học đầu tiên của cuộc đời. Bài học mà Bác Hồ học được từ người mẹ của mình được bắt nguồn từ những câu dân ca, câu hò, câu tục ngữ, lẩy Kiều hay điệu ví quê nhà, cách ứng xử kính trên nhường dưới, tôn sùng cái đức, đề cao cái tài. Những vốn liếng văn hóa dân gian, nếp sống gia đình, quê hương được bà truyền lại cho con trẻ, những câu hát bằng tất cả tấm lòng của người mẹ đã gieo vào lòng con tình yêu quê hương, đất nước và đạo lý làm người. Bởi vậy, từ tấm bé, Bác Hồ đã biết nói những điều hay, làm những việc tốt, giàu lòng vị tha nhân ái, chan hòa trong nghĩa cử đồng bào. Tiếng lòng người mẹ Hoàng Thị Loan đã góp phần làm cao đẹp tâm hồn, nhân cách của Bác ngay từ tuổi ấu thơ.
        Tiếp nối dòng chảy của lịch sử cách mạng Việt Nam, dấu ấn quan trọng của người Phụ nữ Việt Nam lại càng được chứng minh rõ nét. Trong cách mạng Tháng Tám năm 1945, cùng với nhân dân cả nước, hàng triệu phụ nữ Việt Nam đã đứng lên đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến, lập nên chính quyền dân chủ nhân dân, tạo bước ngoặt lịch sử trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, đưa phụ nữ Việt Nam từ vị trí người nô lệ, làm thuê trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phụ nữ cả nước đã hăng hái tham gia phục vụ chiến đấu, góp phần vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, kết thúc cuộc trường kỳ kháng chiến.Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ác liệt những “Cô gái miền quê ra đi cứu nước, mái tóc xanh xanh tuổi trăng tròn…” là hình ảnh đẹp nhất của nhiều cô gái trẻ đã dành trọn những tháng năm đẹp nhất của cuộc đời mình chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Là  “O du kích nhỏ” Nguyễn Thị Kim Lai áp giải một phi công Mỹ bị bắt vào năm 1965 đã trở thành biểu tượng hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, giữa một dân tộc nhỏ bé với kẻ thù lớn hơn gấp nhiều lần. Là những nữ thanh niên xung phong ở Ngã Ba Đồng Lộc, Truông Bồn, đường Trường Sơn..., đã dâng hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. Từ các cuộc chiến tranh đó đã sản sinh ra những phụ nữ đảm đang, bất khuất, dũng cảm, kiên cường để lại danh tiếng cho đời sau như: Nguyễn Thị Minh Khai,Võ Thị Sáu, Hoàng Ngân, Mạc Thị Bưởi, Nguyễn Thị Chiên, Nguyễn Thị Lét, Tạ Thị Kiều, Kan Lịch, Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Bình, Nhất Chi Mai, Nguyễn Thị Út, Đặng Thùy Trâm. Bên cạnh đó không chỉ có ra chiến trường cầm súng mới là những chiến sĩ mà còn những người phụ nữ không trực tiếp tham gia chiến đấu nơi trận tuyến nhưng vẫn hăng hái lao động sản xuất, làm nên hạt lúa, củ khoai, manh áo tiếp thêm sinh lực để bộ đội ta “ăn no, đánh thắng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ cả hai miền Nam, Bắc đã sinh và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của nước ta”. Hàng vạn người mẹ, người vợ miền Bắc đã không ngần ngại hy sinh hạnh phúc cá nhân, động viên chồng con, anh em lên đường vào Nam chiến đấu thực hiện nghĩa vụ của hậu phương miền Bắc, hết lòng chi viện cho chiến trường miền Nam. Ở vùng địch chiếm đóng chị em cũng không ngại nguy hiểm, không quản hy sinh, hết lòng giúp đỡ, che giấu cán bộ. Những người mẹ, người chị, người em ấy đã dành dụm từng đồng tiền, bát gạo, từng tấc vải, viên thuốc để tiếp tế, ủng hộ cho cách mạng. Và trong Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người vẫn nhớ tới và khẳng định công trạng của phụ nữ Việt Nam: “Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Phụ nữ thực sự trở thành hậu phương vững chắc để các anh nơi trận truyến yên tâm chiến đấu thắng giặc”.  Sự hy sinh lớn lao của Mẹ Thứ ở Quảng Nam có 12 con, cháu là liệt sĩ; Mẹ Ngư ở Bình Thuận có 8 con là liệt sĩ, bản thân mẹ là Anh hùng LLVT nhân dân; Mẹ  Mít ở Quảng Trị có 9 con là liệt sĩ …Hay hình ảnh mẹ Suốt lái đò chở bộ đội, thương binh, đạn dược qua sông Nhật Lệ trong những năm 1964 – 1967… đã góp phần tỏa sáng thêm truyền thống “Anh hùng bất khuất, trung hậu đảm đang” của Phụ nữ Việt Nam.
       Tiếp nối truyền thống đó, khi đất nước được hòa bình, thống nhất và trong xu thế hội nhập, phát triển của đất nước, phụ nữ Việt Nam tiếp tục vượt qua mọi thành kiến và thử thách, vươn lên đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội, duy trì ảnh hưởng của mình trên nhiều lĩnh vực như: tham gia quản lý nhà nước, tham gia xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc, tham gia phòng chống tệ nạn xã hội, tham gia hoạt động đối ngoại…Ngày càng có nhiều người trở thành chính trị gia, nhà khoa học nổi tiếng, nhà quản lý năng động; những lĩnh vực trước đây chỉ dành cho nam giới, phụ nữ cũng làm rất tốt. Khi nền kinh tế của chúng ta càng phát triển, phụ nữ càng có nhiều cơ hội hơn. Nó phá vỡ sự phân công lao động cứng nhắc theo giới, cho phép phụ nữ tham gia vào nền kinh tế thị trường và khiến nam giới phải chia sẻ trách nhiệm chăm sóc gia đình. Nó có thể giảm nhẹ gánh nặng việc nhà cho phụ nữ, tạo cho họ nhiều thời gian nhàn rỗi hơn để tham gia vào các hoạt động xã hội nhiều hơn, có nhiều đóng góp hơn cho xã hội, tiếp viết trang sử “Phụ nữ Việt Nam Năng động - Sáng tạo - Trung hậu - Đảm đang”.Tuy nhiên, cho dù trên cương vị nào đi chăng nữa, thì người phụ nữ Việt Nam vẫn mang trong mình những nét truyền thống riêng biệt của người con gái Á Đông, với những thiên chức cao cả làm mẹ, làm vợ và giữ vai trò quan trọng trong gia đình, là người đảm bảo cho gia đình mạnh khoẻ – hạnh phúc. Với thiên chức làm mẹ, như nhà văn Macxim Giocki đã từng ngợi ca: “không có mặt trời thì hoa không nở, không có tình yêu thì không có hạnh phúc. Không có phụ nữ thì không có tình yêu, không có người mẹ thì nhà thơ và anh hùng đều không có”, mẹ với tình yêu thương vô bờ bến là hơi ấm, là nguồn sữa để nuôi con khôn lớn, là chỗ dựa tinh thần to lớn đối với mỗi đứa con. Nhân cách của người mẹ đã tác động ảnh hưởng to lớn đến sự hình thành thể lực, trí lực, phẩm chất, nhân cách của những đứa con. Châm ngôn ta đã có câu “Con nhà tông không giống lông giống cánh”, hay là “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, “mẹ nào con nấy”… điều đó cho thấy vai trò và ảnh hưởng to lớn của người mẹ đối với con. Mẹ không chỉ là tấm gương cho con cái noi theo, mà mẹ còn là người thầy đầu tiên khi con cất tiếng khóc chào đời, là người đầu tiên dạy con biết lắng nghe, biết biểu lộ cảm xúc, dạy cho con các hành vi đạo đức, các cách ứng xử theo các chuẩn mực của xã hội. Với thiên chức làm vợ, người phụ nữ Việt Nam có ảnh hưởng to lớn tới hạnh phúc và sự ổn định của gia đình. Một gia đình hạnh phúc, luôn tràn đầy ấm áp, yêu thương là gia đình trong đó có người vợ luôn hiểu rõ chồng mình, đồng cảm với chồng trong tư tưởng và cuộc sống tinh thần; sẵn sàng chia sẻ với chồng niềm vui và nỗi buồn; luôn luôn tin tưởng ở chồng. Chủ động thu xếp việc gia đình để chồng có thời gian và yên tâm công tác; động viên, khích lệ, tạo điều kiện cho chồng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; là bạn đồng hành của người chồng trên con đường đời, vừa là hậu phương vững chắc đem đến sự thành đạt của người chồng. Ngày nay, quan niệm truyền thống đã có những thay đổi; Vai trò của người phụ nữ không chỉ giới hạn ở việc bếp núc mà phụ nữ ngày càng khẳng định vai trò là “trụ cột” thứ hai trong gia đình, cùng với nam giới chia sẻ trách nhiệm kinh tế, tổ chức tốt cuộc sống vật chất cho gia đình. Trong xã hội hiện đại, vai trò của người phụ nữ được đánh giá ngang bằng với nam giới: “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Đất nước ta ngày càng ổn định phát triển, xã hội ngày càng công bằng, dân chủ, văn minh, gia đình hạnh phúc, có được nền tảng ấy, có một phần vai trò vô cùng quan trọng của người phụ nữ Việt Nam. Đó là những dấu ấn mà chủ tịch Hồ Chí Minh nhận xét: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”
       Có thể nói, con người là hoa của đất và người phụ nữ là hương hoa của cuộc đời, tháng Mười, tháng tôn vinh những người phụ nữ Việt Nam, chúng ta hãy dành cho họ điều tốt đẹp nhất, nói với họ những điều ngọt ngào nhất, bởi họ xứng đáng được hưởng những điều đó, như  bài thơ “Người con gái Việt Nam” của nhà thơ Lê Mỹ Hường viết:
“Ơi cô gái Việt Nam dịu dàng thân thiết
Tự hào về em - người con gái tôi yêu
Phụ nữ Việt Nam vẻ đẹp yêu kiều
Như hoa của đất trời muôn đời tươi sáng mãi”
 

                                                                                                                            Tin bài: N.T. Quỳnh

Tài liệu tham khảo:

  1. Bài viết của Giáo sư Lê Thị Nhâm Tuyết.
    Nguồn tài liệu TW Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam.
    Các bài báo, bài viết trên các cổng thông tin điện tử.
    Truyện kể bên mộ Hoàng Thị Loan – NXB Thanh niên.
    Những mẫu chuyện Bác Hồ với phụ nữ.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Hòa chung không khí vui tươi, phấn khởi chào mừng năm mới 2024, trong ánh nắng ban mai ấm áp của một ngày mới, kết thúc chuỗi ngày mưa se se lạnh của những ngày cuối năm, sáng hôm nay, ngày ... Cập nhật lúc : 15 giờ 29 phút - Ngày 15 tháng 1 năm 2024
Xem chi tiết
Sáng nay, ngày 11/1/2024, các em học sinh Trường Tiểu học Ứng Hòe đã tham dự Giao lưu Tiếng Anh trên mạng IOE cấp huyện tại Trường Tiểu học Quyết Thắng. ... Cập nhật lúc : 15 giờ 25 phút - Ngày 15 tháng 1 năm 2024
Xem chi tiết
Ngày 10/01/2024, Trường Tiểu học Ứng Hòe đã tổ chức cho các em học sinh yêu thích môn Toán từ khối 1- khối 5 tham gia thi giải toán trên mạng Violympic. ... Cập nhật lúc : 15 giờ 18 phút - Ngày 15 tháng 1 năm 2024
Xem chi tiết
Căn cứ vào nhiệm vụ công tác Đội và phong trào thiếu nhi năm học 2023 – 2024, được sự đồng ý của Ban giám hiệu Nhà trường, Liên đội Trường Tiểu học Ứng Hòe đã tổ chức Lễ kết nạp đội viên mới ... Cập nhật lúc : 15 giờ 13 phút - Ngày 15 tháng 1 năm 2024
Xem chi tiết
Ngày hôm nay, thứ 6, ngày 29/12/2023, các em học sinh Trường Tiểu học Ứng Hòe đã tham gia giao lưu "Giải cờ vua học sinh tiểu học và trung học cơ sở" do Ban chỉ đạo Hội khỏe Phù Đổng lần thứ ... Cập nhật lúc : 15 giờ 2 phút - Ngày 15 tháng 1 năm 2024
Xem chi tiết
Chiều ngày 21/12/2023, Công đoàn Trường Tiểu học Ứng Hòe đã tổ chức buổi gặp gỡ và chia tay cô giáo Nguyễn Thị Huệ, sinh năm 1976, chuyển công tác về trường mới. ... Cập nhật lúc : 14 giờ 57 phút - Ngày 15 tháng 1 năm 2024
Xem chi tiết
Chiều ngày 22/12/2023, thầy và trò trường Tiểu học Ứng Hòe đã long trọng tổ chức " Lễ kỉ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12/1944 - 22/12/2023". Nhà trường đã tổ chức ... Cập nhật lúc : 14 giờ 52 phút - Ngày 15 tháng 1 năm 2024
Xem chi tiết
Chiều ngày 21/12/2023, Chi bộ Trường Tiểu học Ứng Hòe đã tổ chức thành công "Hội nghị tổng kết công tác Đảng 2023 và Phương hướng nhiệm vụ 2024" ... Cập nhật lúc : 14 giờ 44 phút - Ngày 15 tháng 1 năm 2024
Xem chi tiết
Trong tháng 11/2023, được sự động viên, khích lệ của Ban giám hiệu, các thầy cô phụ trách Liên đội Nhà trường, sự hướng dẫn của thầy giáo Âm nhạc Đào Hữu Trường, em Nguyễn Phương Anh, học si ... Cập nhật lúc : 14 giờ 39 phút - Ngày 15 tháng 1 năm 2024
Xem chi tiết
ưởng ứng Chương trình hiến máu tình nguyện " Hiến giọt máu hồng - Trao đời hi vọng" của Ban chỉ đạo hiến màu tình nguyện huyện Ninh Giang năm 2023, sáng 16/12/2023, các cô giáo và phụ huynh ... Cập nhật lúc : 14 giờ 34 phút - Ngày 15 tháng 1 năm 2024
Xem chi tiết
1234567891011121314